Chọn ngôn ngữ
4350800
Tin tức

“Sửa Luật Đất đai là vấn đề rất nhạy cảm”

Ngày đăng: 2011-03-17

Chính vì vậy, bắt đầu từ bây giờ, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cùng 63 địa phương tổng kết, đánh giá luật việc thi hành Luật Đất đai năm 2003 với mục đích phân tích những mặt được, chưa được, những điều khoản hợp lý và chưa hợp lý để có thể điều chỉnh khi tiến hành sửa luật.

Một trong những nội dung được dư luận cũng như doanh nghiệp quan tâm là vấn đề sở hữu, quyền sử dụng đất đai và thời hạn giao đất được quy định trong Luật Đất đai 2003 đang gây ra nhiều bất cập trong quá trình thực hiện. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sửa đổi những điều khoản liên quan đến hai vấn đề trên đang được nhiều người kỳ vọng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng “nếu sửa thì tất cả phải xem xét thật kỹ bởi nó liên quan đến lợi ích của nhiều nhóm đối tượng”.

Trao đổi với VnEconomy xung quanh quá trình tổng kết, đánh giá quá trình thực thi Luật Đất đai trong gần 10 năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nói:

- Hiện nay có nhiều ý kiến đề xuất khác nhau liên quan đến quá trình sửa Luật Đất đai sắp tới, trong đó có nhiều ý kiến trái chiều với nhiều quan điểm, biện luận khác nhau. Do đó, sắp tới Bộ sẽ tiếp tục tổng hợp lại, tiếp tục đánh giá, thẩm định sau đó mới trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Sau hơn 8 năm thực hiện Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã từng bước đi vào nề nếp, việc sử dụng đất cũng hiệu quả hơn. Thống kê cho thấy, khiếu kiện về đất đai trong thời gian qua cũng đã giảm đi nhiều. Thời gian trước đây, mỗi năm trung bình lên tới 10.000 đơn khiếu kiện, nhưng năm nay chỉ còn 7.000.

Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng, trước đây khi xử lý các khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến đất đai, chúng ta dùng biện pháp hơi nặng, duy ý chí. Tuy nhiên, từ khi có Luật Đất đai 2003 đến nay, chính sách đã dần được hoàn thiện hơn, chính sách, cán bộ cũng đã vì dân hơn, bởi chỉ đơn giản nếu bồi thường giải phóng mặt bằng không tốt thì người dân cũng không chuyển đi.

Không thể hỗ trợ và bồi thường đều cao

Thống kê cho thấy, đa phần các khiếu kiện liên quan đến đất đai chủ yếu là do vấn đề giá cả trong đến bù, thu hồi đất. Liệu vấn đề này có được giải quyết dứt điểm trong lần sửa đổi sắp tới không, thưa ông?

Để khắc phục vấn đề này, Chính phủ đã có chỉ đạo nếu khu vực nào thấp quá thì nhà nước sẽ có hỗ trợ người dân từ 1 – 1,5 lần. Còn nơi nào giá sát thị trường rồi thì tỷ lệ hỗ trợ sẽ giảm xuống hoặc không có. Người dân không thể đòi cả phần bồi thường cao và hỗ trợ cũng cao.

Hiện nay chúng tôi cũng đang cân nhắc các kiến nghị về việc thu địa tô chênh lệch 2, tức là phần giá trị tăng thêm của diện tích đất do nhà nước đầu tư hạ tầng hoặc mở đường...

Nhưng với việc ban hành Nghị định 69, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước vẫn dường như không công bằng khi thu tiền sử dụng đất của doanh nghiệp sát giá thị trường, trong khi đền bù nhiều khu vực lại theo khung định sẵn?

Chủ trương chung của Chính phủ là tất cả đều phải theo giá thị trường, quan trọng là áp mức giá cụ thể nào thôi. Việc này sẽ do Bộ Tài chính quyết định.

Tất nhiên, theo tôi, việc áp tất cả theo giá thị trường cũng phải tính toán lại. Chẳng hạn như nếu nói theo giá thị trường thì giả dụ đất ở Hà Nội có giá1 tỷ đồng/m2 thì có hợp lý hay không? và chúng ta sẽ điều chỉnh như thế nào. Muốn vậy phải có đội ngũ tư vấn có chất lượng và trình độ chuyên môn cao.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để thực hiện giá thị trường là thông qua giao dịch, nhưng thực tế thì giao dịch đất đai hiện nay chủ yếu vẫn là giao dịch ngầm, chưa công khai, minh bạch nên việc nói rằng khung giá chỉ bằng 30 – 60% giá thị trường thì cũng chỉ là cảm tính, chưa có tính định lượng rõ.

Sắp tới, sau khi tổng kết thi hành Luật Đất đai sẽ có đánh giá lại cái gì được, chưa được để từ đó sẽ có chỉnh sửa.

Xóa bỏ 2 giá đất không dễ

Vậy bao giờ thì xóa bỏ được tình trạng hai giá đất thưa ông?

Thực tế thì cũng cần phải cân nhắc kỹ có nên bỏ hay không bỏ. Bởi có nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích người dân. Chẳng hạn khi người nông dân đi chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà bắt họ phải nộp thuế cao theo giá thị trường thì cũng không được. Chính sách cần phải có tổng kết đánh giá kỹ càng để tránh xáo trộn lớn trong đời sống người dân chứ không phải muốn bỏ là bỏ ngay được.

Còn nếu cho rằng vì câu chuyện hai giá này mà ách tắc trong giải phóng mặt bằng thì tôi cho rằng cũng không nhiều, đặc biệt là sau khi có Nghị định 69. Một số nhà đầu tư cứ kêu thế thôi nhưng họ lại có mục đích giữ đất để đấy.

Hiện nay, giá đất tại các thành phố lớn đã ở mức quá cao. Trong khi Luật Đất đai lại quy định các địa phương phải ban hành bảng giá đất mới hàng năm - điều này chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”, thưa ông?

Đúng là nhiều địa phương có kiến nghị nên kéo dài thời hạn ban hành khung giá đất lên 3 – 5 năm. Chúng tôi sẽ xem xét kiến nghị này và khả năng cũng sẽ có thời hạn dài hơn hiện nay một chút, các nước hiện vẫn áp dụng thời gian từ 3 -5 năm, còn nếu vượt 20% thì cho phép điều chỉnh.

Tuy nhiên, hiện các địa phương hiểu vấn đề này cũng chưa rõ. Không phải hằng năm công bố khung giá thì lại phải xây dựng lại bảng giá mới. Nhiều địa phương vẫn có thể giữ ổn định khung giá đất từ 1 – 2 năm.

Thưa ông, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có nói rằng, nếu thu đúng thu đủ các khoản thuế đất thì doanh nghiệp sẽ hết lãi. Điều đó có nghĩa là có quá nhiều doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ đất?

Đúng là có doanh nghiệp được hưởng, doanh nghiệp không. Nhưng nhìn chung thì chúng ta vẫn đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng đất. Tuy nhiên, sắp tới chúng tôi sẽ tính lại để áp giá theo đúng giá thị trường.

Còn việc doanh nghiệp cho thuê lại đất hay sử dụng không đúng mục đích thì Thủ tướng đã có chỉ đạo sẽ kiểm tra và thu hồi lại. Nếu giá thuê của nhà nước mà quá rẻ thì cũng sẽ bị tính toán lại để áp giá mới.

Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến đề xuất nên cho phép tư nhân sở hữu đất đai bởi những bất hợp lý của hình thức sở hữu toàn dân. Bộ tiếp thu đề xuất này như thế nào?

Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo tất cả các tỉnh thành tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003. Sau đó, chúng tôi mới ngồi lại xem xét và sẽ tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên sâu về tích tụ ruộng đất, thời hạn sử dụng đất, chênh lệch địa tô... thì khi đó mới có thể kết luận được.

Bộ lắng nghe và sẽ báo cáo lên Chính phủ. Vấn đề sửa luật đất đai là vấn đề rất nhạy cảm nên chỉ cần thông tin sai lệch thì sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện nhiều dự án.

(Theo Vneconomy)

Các tin khác