Chọn ngôn ngữ
4342160
Tin tức

Dân bán đảo Thanh Đa được xóa “treo”

Ngày đăng: 2013-08-22

Ngày 21.8, chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp về việc chỉ đạo chủ đầu tư xúc tiến dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh.

Mong giải quyết sớm!

Theo ông Hoàng Song Hà, phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, người dân ở khu vực bán đảo Thanh Đa đã sống khổ sở rất lâu trong cảnh có đất nhưng không được xây cất, chỉnh trang hay buôn bán…

 

Phối cảnh khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa.

Chính quyền địa phương cũng rất vất vả trong giải quyết bức xúc cũng như giữ nguyên hiện trạng dự án. Vì thế, người dân rất mong TP sớm giải quyết tình trạng này.

Báo cáo về định hướng dự án cũng như các chỉ tiêu quy hoạch cơ bản, ông Trần Chí Dũng, giám đốc sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, cho biết dự án được xác định là khu đô thị sinh thái với chức năng chủ đạo là công viên sinh thái - cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch - nghỉ dưỡng kết hợp khu dân cư.

Tổng diện tích dự án là 426 ha (không tính diện tích các công trình tôn giáo và mặt nước sông Sài Gòn), trong đó diện tích công viên cây xanh và công trình công cộng khoảng 100 ha, giao thông - hạ tầng kỹ thuật khoảng 48 ha.

Khu nhà ở được đầu tư theo dạng đô thị nén gồm trung tâm và cao tầng để dành đất cho các khu cây xanh tập trung.

Ngoài giao thông thủy, hệ thống giao thông bộ để kết nối với bên ngoài gồm tuyến đường Bình Quới hiện hữu, xây dựng 2 cây cầu qua sông Sài Gòn - ra phường Thảo Điền, quận 2 và phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.

Ngoài ra, sẽ nghiên cứu bố trí cầu kết nối với đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và xa lộ Hà Nội.

So với khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa được chấp thuận chỉ tiêu thương mại dịch vụ khá cao: gần 60% diện tích, tương đương khoảng 253 ha.

Mức đầu tư trên 3 tỉ USD

Tại cuộc họp, chủ tịch Lê Hoàng Quân thông báo UBND TP đã trình và được thành ủy cũng như Chính phủ chấp thuận việc chỉ định nhà đầu tư đối với dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa.

Chủ đầu tư mới của dự án là công ty TNHH Tập đoàn Bitexco.

Ông Hà cho biết hiện trạng khu vực có khoảng 3.000 hộ dân với khoảng 2.000 căn nhà. Tuy nhiên, việc đo vẽ hiện trạng được thực hiện từ năm 2004 đến nay đã lạc hậu, cần đo vẽ lại để công bố cho người dân biết.

Dự kiến, bên cạnh các chung cư tái định cư (TĐC) dành cho những người có diện tích đất nhỏ, sẽ có dạng TĐC sân vườn vì đa phần ở đây còn nhiều nông dân, diện tích đất dành bố trí TĐC khoảng 17,8 ha.

Theo ước tính của ông Hà, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng có thể rất lớn, do đó tổng vốn đầu tư dự án chắc chắn sẽ trên 3 tỉ USD.

Ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: để người dân khổ sở trong một thời gian dài là TP có lỗi rất lớn, vì thế việc TĐC cho người dân phải hết sức chu đáo.

Đồng thời, khu vực này nằm thấp hơn mực nước sông Sài Gòn nên cần nghiên cứu xây dựng hệ thống đê bao chống ngập và các giải pháp để ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông Quân giao chủ đầu tư lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch 1/2.000. Để xúc tiến việc đầu tư, TP sẽ thành lập tổ công tác do sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ trì để hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch;

Sở Tài chính có nhiệm vụ phối hợp với UBND quận Bình Thạnh lập và thẩm định hồ sơ đền bù.

 

Dân số thường trú từ 41.000 - 50.000 người

So với quy hoạch chi tiết 1/2.000 đã được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2007, chủ đầu tư đề xuất quy hoạch chỉnh sửa có bổ sung chức năng về khoa học, dành khoảng 10 ha xây dựng trung tâm tri thức, công nghệ mới nhằm tạo sự đa dạng về hoạt động đô thị.

Đề xuất tăng dân số thường trú từ 30.000 người lên 41.000 - 50.000 người, số khách vãng lai là 500.000 lượt người/ngày đêm.

Chủ đầu tư cũng trình sở Quy hoạch và Kiến trúc 3 phương án thiết kế đô thị do 2 công ty của Mỹ và công ty Nikken Seikkei (Nhật Bản) thực hiện.

Bài, ảnh: Người Lao Động

Các tin khác